Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế xã hội. Nhiều người rơi vào cảnh nợ nần, không có thu nhập đang hoang mang, lo lắng về nợ xấu. Vậy thực chất nợ xấu là những khoản nợ như thế nào? Có thể xóa nợ xấu tại các ngân hàng không? Tất cả sẽ được Tôi Sợ Gì giải đáp dưới đây.
Nợ xấu là gì?
Nợ xấu (hay nợ khó đòi) là khoản nợ dưới chuẩn, các khoản nợ này được vay tại các tổ chức tín dụng đến hạn thanh toán nhưng không được thanh toán đầy đủ và quá hạn trên 90 ngày từ ngày đến hạn trả nợ trong hợp đồng tín dụng. Khi khách hàng rơi vào nhóm nợ xấu (dựa theo phân loại trên CIC) sẽ rất khó khăn để vay nợ ngân hàng hay các tổ chức tín dụng khác.
Bạn có thể tham khảo các nguyên nhân dẫn tới nợ xấu để né tránh như:
- Quên hạn thanh toán hoặc thanh toán chậm các khoản vay gồm gốc và lãi
- Không tính toán và kiểm soát được dòng tiền theo kế hoạch khiến đến kỳ hạn thì không đủ tiền để thanh toán.
- Xem nhẹ vấn đề trả chậm.
- Không thực hiện thanh toán đủ số tiền tối thiểu của thẻ tín dụng dựa theo quy định của ngân hàng.
- Thực hiện chi quá hạn mức thấu chi tài khoản nhưng khi đến hạn lại không đủ tiền trả nợ.
- Mua hàng trả góp vượt qua ngưỡng có thể chi trả dẫn tới mất khả năng thanh toán.
Phân loại nhóm nợ
Trên hệ thống CIC (viết tắt của Trung Tâm Thông Tin Tín Dụng Quốc Gia Việt Nam), dựa vào lịch sử tín dụng, khách hàng sẽ được đánh giá và xếp vào 1 trong 5 nhóm dưới đây:
Nợ nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn)
- Những khoản nợ có khả năng thu hồi được cả gốc lẫn lãi đúng thời hạn;
- Những khoản nợ trong thời hạn;
- Hoặc những khoản nợ đã quá hạn dưới 10 ngày (Từ 1 đến 10 ngày quá hạn khách; hàng sẽ phải trả thêm lãi phạt quá hạn là 150%).
Nợ nhóm 2 (Nợ cần chú ý)
- Những khoản nợ đã quá hạn thanh toán từ 10 ngày đến dưới 30 ngày;
- Những khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn thanh toán lần đầu.
Nợ nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn)
- Những khoản nợ đã quá hạn thanh toán từ 30 ngày đến dưới 90 ngày;
- Những khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn thanh toán lần đầu nhưng đã quá hạn từ 30 ngày đến dưới 90 ngày tính theo thời hạn được cơ cấu lại lần đầu;
- Những khoản nợ đã được miễn giảm lãi vì nhận thấy khách hàng không đủ khả năng thanh toán tiền lãi đầy đủ đúng theo hợp đồng tín dụng.
Nợ nhóm 4 (Nợ nghi ngờ mất vốn)
- Những khoản nợ đã quá hạn thanh toán từ 90 ngày đến dưới 180 ngày;
- Những khoản nợ đã được cơ cấu lại thời hạn thanh toán lần đầu quá quá hạn thanh toán từ 30 ngày đến dưới 90 ngày theo thời hạn đã được cơ cấu lại lần đầu;
- Những khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn thanh toán lần thứ hai.
Nợ nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn)
- Những khoản nợ đã quá hạn thanh toán từ 180 ngày trở lên;
- Những khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu đã quá hạn thanh toán từ 90 ngày trở lên, tính theo thời hạn thanh toán đã được cơ cấu lại lần thứ hai;
- Những khoản nợ cơ cấu lại thời hạn thanh toán lần thứ hai đã quá hạn trả nợ, tính theo thời hạn trả nợ cơ cấu lại lần thứ hai;
- Những khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn thanh toán lần thứ ba trở lên, dù chưa quá hạn hay đã quá hạn.
Nợ xấu là các khoản nợ thuộc nhóm 3.4.5. Nếu khách hàng rơi vào 3 nhóm này sẽ rất khó để có thể vay tại tại các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác. Và trên thực tế, các thông tin về lịch sử tín dụng trên hệ thống CIC sẽ được lưu trữ trong vòng từ 3 đến 5 năm kể từ thời gian người vay thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi.
Tuy nhiên, Với các ngân hàng có vốn nước ngoài hay chi nhánh các ngân hàng nước ngoài đặt tại Việt Nam có hệ thống kiểm soát rủi ro chặt chẽ nên những khách hàng đã thuộc nhóm nợ xấu sẽ có thể không bao giờ được các ngân hàng này xét duyệt các khoản vay dưới bất kỳ hình thức nào.
Hơn nữa, những hạn chế này còn bị áp dụng với những cá nhân cùng địa chỉ và cùng chung sổ hộ khẩu với các khách hàng thuộc nhóm nợ xấu trên. Vì vậy, cần đặc biệt lưu ý những điều trên để tránh các rủi ro nếu rơi vào các nhóm nợ xấu và không có khả năng huy động các nguồn vốn vay khi cần.
Nợ xấu có xóa được không? Cách xóa nợ xấu ngân hàng
Đánh vào đúng tâm lý lo sợ nợ xấu của khách hàng, hiện nay xuất hiện rất nhiều các dịch vụ xóa nợ xấu tại các ngân hàng trên mạng internet. Tuy nhiên, khách hàng cần phải sáng suốt và hiểu rõ rằng các dịch vụ này không thể xóa nợ xấu mà chỉ đơn giản là một hình thức lừa đảo dựa vào sự nôn nóng cần xóa nợ xấu để xoay vòng vốn của khách hàng.
Cách duy nhất để khách hàng xóa lịch sử nợ xấu là hãy nhanh chóng thanh toán đầy đủ gốc và lãi cho các tổ chức tín dụng. Cụ thể như sau:
Với các khoản vay dưới 10 triệu:
Căn cứ theo Ngân hàng Nhà Nước tại Khoản 1, Điều 11 trong Thông tư số 03/2013/TT-NHNN vào ngày 28/2/2013, từ 01/12/2014 Ngân hàng Nhà nước sẽ ngừng cung cấp các lịch sử tín dụng của khoản nợ đã quá hạn dưới 10 triệu đồng khi “đã tất toán”. Vì vậy, với các khoản vay dưới 10 triệu khách hàng hãy nhanh chóng thanh toán thì sẽ không cần lo ngại về vấn đề nợ xấu của mình nữa.
Với các khoản vay trên 10 triệu:
Khi có các khoản vay này, khách hàng nên cố gắng sắp xếp thanh toán đầy đủ tất cả các khoản vay , bao gồm cả gốc, lãi và lãi phạt trả chậm. Đây là phương án tối ưu giúp khách hàng giải quyết triệt để các khoản nợ và thông báo kịp thời cho nhân viên tín dụng đang quản lý khoản vay của mình để xác nhận thanh toán. Để cẩn thận hơn, khách hàng có thể đề nghị các tổ chức tín dụng gửi văn bản xác nhận đã thanh toán nợ quá hạn và ghi chú cụ thể lý do khách quan khách hàng phát sinh các khoản nợ xấu này.
Lúc này, hồ sơ vay của khách hàng sẽ đủ điều kiện vay các khoản vay mới sau 12 tháng tính từ ngày hoàn trả khoản nợ cũ. Bên cạnh đó cũng tồn tại một số ngân hàng sẵn sàng chấp nhận các hồ sơ vay có lịch sử nợ xấu nếu nguyên nhân phát sinh nợ xấu được đưa ra là lý do khách quan và đánh giá thấy tình hình tài chính thực tế của khách hàng vẫn rất tốt. Nhưng vẫn có nhiều ngân hàng quyết định từ chối các khách hàng có nợ xấu và họ phải chờ đợi ít nhất 5 năm để đủ điều kiện vay các khoản vay mới.
Những lưu ý để tránh rơi vào nợ xấu
Để tránh rơi vào tình trạng nợ xấu, một số lời khuyên dành cho khách hàng khi đi vay như sau:
- Trước khi quyết định vay, hãy tính toán thật chắc chắn và cân nhắc về lãi suất vay và các khoản phải trả hàng tháng từ khoản vay và tình hình tài chính có thể chi trả trong tương lai từ việc sử dụng nguồn vốn vay. Liệu rằng, khả năng sinh lời từ khoản vay hay thu nhập của bạn có đủ để chi trả không? Hãy nắm chắc về các khoản tiền cần phải trả hàng tháng không bị quá cao và gây ra những ảnh hưởng tiêu cực.
- Khách hàng không nên cố đi vay trong khi lịch sử tín dụng trong 2 năm liền kề không được tốt.
- Nếu bạn đang sử dụng thẻ Credit Card cần chú ý rằng bản thân luôn thanh toán đủ nợ và không được thực hiện chi tiêu vượt quá khả năng thanh toán.
- Coi trọng các điều khoản trong hợp đồng tín dụng về thời hạn thanh toán và luôn nâng cao ý thức trong vấn đề này. Nếu được, hãy chủ động thanh toán sớm 1 đến 2 ngày để tránh xảy ra các sự cố khách quan.
- Việc xây dựng một kế hoạch và thống kê rõ ràng về cách sử dụng vốn là cần thiết. Khách hàng nên dự trữ lại một khoản tiền nhất định để có thể xoay sở kịp thời khi có vấn đề bất chắc.
Tóm lại, cách duy nhất để xóa nợ xấu tại các ngân hàng là việc bắt buộc khách hàng đi vay phải thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi của khoản vay đó. Đừng đặt niềm tin vào các dịch vụ xóa nợ xấu online với phí dịch vụ cao cắt cổ. Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp khách hàng đi vay cảnh giác và không rơi vào tình trạng nợ xấu kể trên.